Vì sao cần phát triển văn hóa doanh nghiệp?

 “Văn hóa doanh nghiêp”, “tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi” đã trở nên cực kỳ quen thuộc trong môi trường kinh doanh nhưng thực sự không phải ai cũng hiểu đúng bản chất văn hóa doanh nghiệp là gì? Sự quan trọng của nó đối với sự phát triển của doanh nghiệp như thế nào? và tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp? Mọi người hãy cũng Future Talent tìm hiểu thông qua bài viết này nhé.

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp (tiếng Anh: Corporate Culture) là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói, hành động như một thói quen, giống như đời sống tinh thần và tính cách của một con người, và là phần quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp bắt nguồn từ những giá trị cốt lõi, là giá trị của cá nhân hay tổ chức, được thể hiện qua hành động, sở thích, lối sống của từng cá nhân trong đó, tập hợp những giá trị cốt lõi này để hướng dẫn những hành vi nội bộ của một tổ chức, mang đến một nét riêng biệt của tổ chức đó với những tổ chức khác.

Văn hóa doanh nghiệp thường được gắn liền với giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh trong một doanh nghiệp, những giá trị cốt lõi để định hướng nên một văn hóa doanh nghiệp gồm:

  • Sự thành thực: Trung thực, không gian dối trong cả công việc, mối quan hệ với đồng nghiệp, cam kết thực hiện những gì mình hứa hẹn và đảm bảo đúng những gì mình sẽ thực hiện.
  • Sự tự giác: Thể hiện ở mức độ sẵn sàng với công việc, không ngại khó khăn, làm việc hết mình vì lợi ích của tổ chức.
  • Sự khôn khéo: biết nói những gì cần nói, hỏi những điều cần hỏi, tranh luận những điều đáng tranh luận và sắp xếp những gì hợp lý nhất.
  • Ngoài ra còn một số giá trị khác được đề cập tới như sự tự tin, sáng tạo…

Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

Văn hóa doanh nghiệp hay còn gọi là giá trị cốt lõi là nền tảng, chuẩn mực cho toàn bộ hành vi ứng xử ở nơi làm việc. Các giá trị cốt lõi của nhân viên tại nơi làm việc, cùng với kinh nghiệm của họ, kết hợp với nhau tạo thành văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp giúp củng cố quyết định cho doanh nghiệp, đặc biệt là những quyết định khó khăn, văn hóa doanh nghiệp thể hiện thái độ của doanh nghiệp đó, nếu sản phẩm của doanh nghiệp không tốt thì thái độ nhận sai sẽ chiếm được sự cảm thông từ phía khách hàng.

Văn hóa doanh nghiệp giúp đối tác nhận diện công ty một cách rõ ràng hơn và chi tiết hơn. Ví dụ giá trị cốt lõi của một công ty thành công thể hiện ở cách họ phục vụ khách hàng đây chính là “tinh thần phục vụ”.

Văn hóa doanh nghiệp hình thành nên tầm nhìn của tổ chức, là nền tảng để thu hút và giữ chân những nhân viên giỏi nhất, đóng góp nhiều nhất của công ty. Bởi lẽ, trên thực tế, hầu hết các ứng viên đều quan tâm đến hình ảnh công ty, giá trị đạo đức và văn hóa của công ty.

Các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp

Để tạo thành một văn hóa doanh nghiệp thì trước hết bạn cần quan tâm đến những yếu tố sau:

Yếu tố tầm nhìn

Một nền văn hóa vĩ đại luôn bắt đầu từ một tầm nhìn đa diện, từ đó bao quát ra những mục tiêu xa hơn, và định hướng bước đi rõ ràng hơn cho doanh nghiệp của mình.

Ở các tổ chức phi lợi nhuận, đa phần tầm nhìn của họ khá đơn giản nhưng đầy nhân văn do đó sẽ nổi trội hơn doanh nghiệp kinh doanh. Tầm nhìn tuy là yếu tố đơn giản nhưng lại là nền tảng của cả một văn hóa được ví như là một kim chỉ nam cho mọi quyết định và hành động.

Yếu tố giá trị cốt lõi

Cốt lõi của văn hóa chính là giá trị của doanh nghiệp, giá trị chính là thước đo tiêu chuẩn để cân chỉnh những hành vi, quan điểm cần thiết để đạt được mục tiêu đặt ra. Rất nhiều doanh nghiệp tìm thấy các giá trị của họ xoay quanh vài chủ đề đơn giản như: Nhân viên, khách hàng, sự chuyên nghiệp…

Một công ty lớn như Google, giá trị cốt lõi của họ đơn giản chỉ là câu slogan nhưng đó cũng là quy tắc nổi tiếng mà ai cũng biết đến “Đừng trở thành cái ác – Don’t be evil”, dĩ nhiên ngoài ra họ cũng có bộ giá trị riêng mang tên “10 điều chúng tôi biết là đúng” như là các điều luật lưu hành nội bộ trong doanh nghiệp họ.

Yếu tố thực tiễn

Có một sự thật rằng các giá trị chỉ trở nên quan trọng khi chúng được tôn trọng trong một doanh nghiệp. Nếu một tổ chức tuyên bố “con người là tài sản lớn nhất của chúng tôi” thì tổ chức ấy nên trực tiếp đầu tư vào con người theo những cách thức mà họ từng tuyên bố.

Công ty Wegman’s (New York) đã đưa ra các giá trị sẽ thực hiện trong tương lai như “quan tâm” và “tôn trọng”, cũng như vẽ ra một viễn cảnh “một công việc trong mơ”. Và sau cùng kết thúc quá trình tiến hành ấy, nó trở thành công ty đứng thứ 5 trong những công ty tốt nhất theo bảng xếp hạng của tạp chí Fortune bình chọn.

Yếu tố con người

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất chính là con người, thử nghĩ xem nếu không có con người thì ai sẽ là người đưa ra tầm nhìn? ai sẽ chia sẻ những giá trị cốt lõi ấy? và ai sẽ sẵn sàng và đủ khả năng để thực hiện những giá trị đó?

Đó là lý do tại sao các công ty lớn trên thế giới đều có một số chính sách tuyển dụng nghiêm ngặt nhất nhằm tìm ra những nhân tố sáng giá cho doanh nghiệp. Theo Charles Ellis một nhà văn nổi tiếng chia sẻ “Một công ty tốt là luôn có những kế hoạch tuyển dụng các nhân sự không chỉ giỏi mà còn phù hợp với công ty, vì chính họ sẽ góp phần tạo dựng nên một văn hóa doanh nghiệp”.

Yếu tố truyền tải câu chuyện lịch sử

Bất kỳ tổ chức nào cũng đều có một lịch sử riêng biệt và một câu chuyện độc đáo, và khả năng chuyển đưa lịch sự ấy tái hiện trong hiện tại biến nó thành câu chuyện lịch sử chính là một yếu tố cốt lõi của sự sáng tạo văn hóa.

Như thương hiệu Coca-Cola nổi tiếng, họ đã truyền lại cho thế hệ sau từ những bài học lịch sử đáng giá, để giờ đây nó trở thành kỷ niệm di sản của chính doanh nghiệp ấy.

Hay những câu chuyện đầy thú vị của Steve Jobs đã dần dần tạo dựng nên Apple trở thành thương hiệu thành công nhất trên thế giới hiện nay.

Bài học lịch sử thông qua những câu chuyện chính là “sức mạnh vô hình” giúp từng cá thể trong doanh nghiệp hiểu và tiếp bước những thành công, những thành tựu trước đây mà doanh nghiệp đã gầy dựng.

Yêu tố môi trường làm việc “mở”

Xây dựng môi trường làm việc hiệu quả chính là xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp thành công. Để công việc đạt được hiệu quả tốt nhất thì môi trường làm việc phải có lề lối làm việc, phương cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự, tinh thần thoải mái, đó là lý do tại sao cầm một môi trường làm việc “mở”, không gian mở, con người cởi mở, tinh thần thoải mái thì hiệu suất công việc cũng tăng lên.

Tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp của một số doanh nghiệp lớn

Văn hóa doanh nghiệp FPT

Văn hóa doanh nghiệp của FPT được gói gọn trong 6 chữ “Tôn đổi đồng – Chí gương sáng”

Trong đó “Tôn đổi đồng” có nghĩa là “Tôn trọng cá nhân – Tinh thần đổi mới – Tinh thần đồng đội”

Giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, nhân viên và sếp họ luôn làm theo phương châm: Nói thẳng , Lắng nghe và Bao dung, chính vì điều này môi trường làm việc ở đây luôn công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Đổi mới là tinh thần đổi mới bao gồm: Học hành, Sáng tạo và STCo ( là sự hài hước, hóm hỉnh đặc trưng của người FPT)

Đối với văn hóa doanh nghiệp FPT thì tinh thần tinh thần đồng đội rất mạnh mẽ, họ luôn đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu từ đó đồng tâm, hiệp lực, chung tay giữa một tập thể và Chân tình.

Chí gương sáng có nghĩa là ” Chí công – Gương mẫu – Sáng suốt”

Chí công là nền tảng quan trọng nhất để lãnh đạo xây dựng niềm tin trong nhân viên và để nhân viên làm việc hết mình thay vì xu nịnh lãnh đạo.

Lãnh đạo phải là người thể hiện rõ nét nhất về Tinh thần FPT, để làm gương cho nhân viên noi theo.

Sáng suốt: Người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa và tính quyết đoán thì mới dẫn dắt được nhân viên, nhân viên phải có tinh thần quyết đoán để đảm đương công việc sếp giao.

Văn hóa doanh nghiệp Viettel

Văn hoa doanh nghiệp Viettel rất độc đáo và mới lạ họ tin tưởng về “Truyền thống và cách làm người lính” cũng là niềm tin của ban lãnh đạo Viettel.

Lãnh đạo của Viettel luôn lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chân lý, đây là một điều chính xác, công tâm nhất.

Sự thất bại là bài học để trưởng thành, sự quyết tâm không từ bỏ những thách thức và sai lầm, để tạo ra một kế hoạch mới.

Đề cao cái tôi cá nhân tăng năng lực bằng sức mạnh cạnh tranh, coi sáng tạo là sức sống của Viettel.

Đối với khách hàng thì “ hãy nói theo cách của bạn” tận tâm phục vụ khách hàng đem lại sự hài lòng tuyệt đối.

Văn hóa doanh nghiệp Vinamilk

Vinamilk xây dựng rất rõ ràng các giá trị và chính sách dành cho nhân viên trong văn hóa doanh nghiệp của mình. Đặc biệt thái độ và tinh thần của nhân viên, doanh nghiệp đều được thể hiện rất rõ.

Đối với doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp: “Nỗ lực mang lại lợi ích vượt trội cho các cổ đông, trên cơ sở sử dụng hiệu quả và bảo vệ mọi nguồn tài nguyên của Vinamilk.”

Đối với nhân viên: “Đối xử tôn trọng, công bằng với mọi nhân viên. Vinamilk tạo cơ hội tốt nhất cho mọi nhân viên để phát triển sự bình đẳng, xây dựng và duy trì môi trường làm việc thân thiện, an toàn và cởi mở.”

Đối với khách hàng: “Vinamilk cung cấp sản phẩm và dịch vụ đa dạng, cam kết chất lượng đạt tiêu chuẩn cao nhất, giá cả cạnh tranh và trung thực với mọi giao dịch.” Nhân viên thân thiện, nhiệt tình và tâm huyết.

Văn hóa doanh nghiệp TH True Milk

TH True Milk tạo lên nền văn hóa doanh nghiệp không chỉ hướng tới lợi nhuận mà lớn hơn đó là tâm nguyện góp sức nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Mong muốn của TH True Milk là trẻ em Việt được nuôi dưỡng từ một nguồn sữa sạch, được phát triển thể chất, tinh thần một cách toàn diện.

Từ năm 2013, TH đã kết hợp với Viện dinh dưỡng Quốc gia, mời chuyên gia Pháp thực hiện nghiên cứu lâm sàng sữa học đường là sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng, đem đến cho học sinh những hộp sữa đầy dinh dưỡng.

Văn hóa doanh nghiệp của Apple

Không ai có thể nghi ngờ rằng Apple hiện đang là hãng công nghệ được ưa chuộng bậc nhất trên thế giới, và cũng không ai có thể nghi ngờ những sản phẩm của họ luôn được săn đón nhiệt tình từ những tín đồ công nghệ.

Tuy nhiên văn hóa doanh nghiệp của Apple lại rất kỳ cục, trong khi những doanh nghiệp khác đang có xu hướng xích lại gần với khách hàng của mình thì Apple lại hạn chế tối đa việc giao tiếp với truyền thông, văn hóa doanh nghiệp của họ gồm 2 điều:

Bí mật tuyệt đối: Đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất của doanh nghiệp này, kể cả từ nhân viên bình thường đến một quản lý cấp cao, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt và sa thải ngay lập tức.

Luật im lặng: Họ lựa chọn sự im lặng bởi muốn giữ bất ngờ đến phút trót, họ không muốn thông tin của mình bị rò rỉ ra ngoài, chính việc bảo mật như vậy mang đến sự tò mò và háo hức cho người tiêu dùng.

Văn hóa doanh nghiệp của Google

Văn hóa công ty của Google đã vô cùng nổi tiếng trong nhiều năm trở lại đây. Những bữa ăn miễn phí, kì nghỉ, tiệc tùng cho nhân viên, hoa hồng tài chính, những buổi thuyết trình bởi lãnh đạo, phòng gym, cho phép mang theo chó vào văn phòng… và rất nhiều điều tuyệt vời khác. Những nhân viên của Google được biết tới như những người tài năng và xuất chúng nhất thế giới.

Google ngày càng phát triển, và công ty này đã mở rộng nhiều văn phòng chi nhánh tại nhiều quốc gia, việc giữ vững văn hóa này như tại trụ sở chính trở nên khó khăn hơn. Công ty càng lớn, văn hóa này càng phải thay đổi đề phù hợp với nhân viên bản địa và khả năng quản lý.

Bài học: Kể cả những văn hóa tốt nhất cũng có thể thay đổi để đáp ứng được lợi ích phát triển của toàn công ty, văn hóa công ty thành công sẽ giúp doanh nghiệp đó thành công.

 

Nghiêm Liên

Nghiêm Liên, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từng làm việc cho báo Báo Nông Thôn ngày nay và Báo Điện tử Dân Việt ở các chuyên mục: Kinh tế, Nhà Nông…

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *